Mở phòng tập gym cần bao nhiêu tiền? 7 loại chi phí mà bạn cần tính đến

Mở phòng gym (hay còn gọi là setup phòng tập) cần tính đến những loại chi phí nào?

Lên kế hoạch kinh doanh: Các loại chi phí cần tính để mở phòng tập thể hình

Sau bài tư vấn setup – mở phòng gym số 1, bạn đã có một cái nhìn khái quát về những việc cần làm để bước vào mảng kinh doanh hấp dẫn và thú vị này.

Rất nhiều bạn muốn khởi nghiệp, sở hữu một phòng tập gym của riêng mình. Tuy nhiên, một phòng tập có rất nhiều trang thiết bị, dụng cụ, cùng bao nhiêu khâu công việc cần chuẩn bị. Khiến các bạn bối rối, lại không biết ước chừng được số vốn cần phải có để có thể biến mong ước thành hiện thực.

Tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn các loại chi phí mở phòng gym cần tính tới khi bắt tay vào làm.

 

Chi phí mặt bằng – đầu tư hạ tầng phòng tập

Như bài trước, bạn cũng thấy mặt bằng là yếu tố quyết định sống còn tới việc kinh doanh phòng tập. Bạn phải xem xét và điều tra kĩ lưỡng về nơi mình sẽ mở phòng.

Nhất mặt đường, nhì ngõ rộng. Vị trí phòng tập của bạn đáp ứng được một trong hai yêu cầu này là khá ok rồi. Nếu bạn không đủ kinh phí cho việc thuê một mặt bằng như thế thì cũng không cần quá lo lắng. Miễn là phòng tập của bạn nằm ở vị trí gần khu dân cư – thuận lợi cho việc di chuyển của khách hàng.

Bạn có thể bù đắp thiệt thòi về vị trí bằng cách tập trung nâng cao chất lượng phòng tập thể hình và tăng cường quảng cáo để thu hút khách hàng.

Chi phí mặt bằng phụ thuộc vào địa điểm bạn chọn. Nếu mặt bằng của nhà thì thật là tuyệt vời rồi. Riêng việc không mất chi phí đi thuê đã là một điểm lợi thế cạnh tranh rất lớn của bạn rồi. Còn nếu bạn phải đi thuê thì hãy xem xét đến các yêu cầu của chủ mặt bằng:

  • Số tiền đặt cọc mặt bằng (nếu có) ra sao? Nếu có thể, hãy đàm phán để giảm tối đa mức phí này – không có là tốt nhất. 😀

Đây là số tiền vốn bị đóng băng của bạn – là tiền chết (thường không được tính lãi). Bạn sẽ không muốn tiền của mình chết im một chỗ chứ?

  • Thanh toán theo đợt như thế nào? Hàng tháng, hàng quý hay 6 tháng… một lần?

Đàm phán để đóng tiền từng đợt theo tháng hoặc theo quý, sẽ giảm áp lực tài chính của bạn. Đem lại cảm giác “dễ chịu” hơn khi mỗi lần “tới tháng”. Chi phí thuê mặt bằng là chi phí cố định, ảnh hưởng khá lớn tới lợi nhuận – hiệu suất kinh doanh của phòng tập.

Vị trí mặt bằng phòng gym quyết định phần chính kết quả kinh doanh

Tiếp theo là các yếu tố mặt bằng khác như chi phí sửa chữa, cải tạo:

  • Bạn xem mặt bằng chất lượng như thế nào? Có phải sửa chữa cải tạo nhiều không hay chỉ cần sơn lại là dùng được luôn.
  • Nếu cần sửa chữa, trang trí lại thì bạn dành ngân sách cho việc thiết kế, sửa chữa, trang trí là bao nhiêu?

Tóm lại, chi phí mặt bằng gồm có:

  • Chi phí cố định: tiền đặt cọc + tiền thuê trả theo đợt
  • Chi phí sửa chữa: tiền thiết kế, tiền sửa chữa và trang trí

Bạn lên ngân sách dự tính cho từng hạng mục này, sau đó cộng tổng để ra con số cần chuẩn bị cho mặt bằng. Nhiều khi, chi phí cho hạ tầng, mặt bằng mới là khoản chi phí tốn kém nhất chứ không phải là chi phí cho dụng cụ, máy tập như nhiều người vẫn nghĩ.

Xem bài viết tổng hợp về hướng dẫn mở phòng gym tại đây.

Chi phí dụng cụ, máy tập

Chi phí cho dụng cụ, máy tập gym của bạn phụ thuộc  vào chủng loại, quy mô diện tích phòng của bạn. Song điều cơ bản bạn cần nhớ là hãy chọn lựa đủ máy móc cho tất cả các nhóm cơ, đặc biệt là dụng cụ cho các bài tập cơ bản và thông dụng.

Một cách tương đối, bạn lấy diện tích khu đặt máy tập gym đem nhân với hệ số như sau:

  • Máy tập bình dân: từ 1 – 2 triệu/m2
  • Máy tập trung cấp: từ 2 – 3 triệu/m2
  • Máy tập cao cấp: từ 5 triệu trở lên.

Nếu bạn muốn có đầy đủ máy móc: cả máy cardio (máy chạy bộ, đạp xe, máy rung…) thì con số ước tính thấp nhất là 2 triệu/m2.

Vd: bạn chọn đầu tư phòng tập bình dân, có diện tích kê máy rộng 200m2 thì chi phí cho máy móc sẽ ước tính như sau:

200m2 * 1 triệu đồng/m2 = 200 triệu đồng (chỉ có máy tập cơ, chưa có các máy cardio: máy chạy, đạp xe…)

200m2 * 2 triệu đồng/m2 = 400 triệu đồng (đã bao gồm máy tập cơ và cardio)

Nhiều đơn vị tư vấn bán máy luôn đưa ra những con số nghe hấp dẫn và “lọt tai” như 200 triệu, 250 hay 300 triệu cho một phòng tập full đồ. Nhưng cái ẩn chứa đằng sau họ lại chưa nói là full như thế nào. Những máy tập cần thiết và đông người dùng mà mỗi loại lèo tèo 1-2 máy thì toi. Với giá nào, mức chi phí nào bạn cũng có thể có được một dàn máy tập – vấn đề là dàn máy đó như thế nào mà thôi.

Khi có chút kinh nghiệm, bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng để thu hút khách hàng thì một phòng tập tối thiểu nên chuẩn bị kinh phí cho máy móc tầm 300 triệu trở lên.

Chọn lựa máy tập phù hợp với quy mô của phòng sẽ giúp bạn kinh doanh hiệu quả hơn

Nếu bạn chọn giải pháp kinh tế hơn là mua hàng cũ – secondhand, đồ thanh lý thì sẽ giảm được gánh nặng đầu tư. Nhưng bạn nên cân nhắc kỹ khi lựa chọn giải pháp này. Máy tập cơ còn đỡ, chứ các máy cardio (có nhiều linh kiện, mạch điện tử phức tạp) thì mua máy cũ sẽ có tính chất rủi ro cao hơn. Đặc biệt nếu bạn chưa có kinh nghiệm, hãy nhờ người xem giúp. Nên xem tận mắt, sờ tận tay.

Cái gì cũng có giá của nó, đừng nên ham rẻ mà chuốc bực vào người. Hãy tỉnh táo và là người lựa chọn thông minh.

Tham khảo thực tế một số mẫu dự án setup phòng gym tại đây.

Chi phí nhân viên: HLV, lễ tân, tạp vụ, quản lý…

Để xác định được chi phí nhân sự, bạn hãy trả lời các câu hỏi sau:

  • Bạn có cần nhân viên hay không?
  • Nếu có thì cần những bộ phận nào?
  • Những công việc cho họ là gì?
  • Mức lương thế nào là hợp lý và bạn có thể thương lượng về giá cả được hay không?
  • Ngoài khoản lương cứng, bạn còn có cơ chế hoa hồng – thưởng như thế nào?

Các vị trí về nhân sự cần cho một phòng tập Gym gồm: Quản lý, Sale, Lễ tân, HLV, Tạp vụ…  Bạn nên có bản mô tả công việc, trong đó phân công rõ ràng nội dung công việc và trách nhiệm của từng vị trí – từng bộ phận. Có bản mô tả công việc thì công việc của phòng tập sẽ trôi chảy, thuận lợi còn bạn cũng dễ dàng quản lý và đánh giá năng lực nhân sự.

Chi phí này sẽ chi theo tháng và tổng chi phí có thể chỉ từ vài triệu đến cả trăm triệu mỗi tháng phụ thuộc vào quy mô phòng tập của bạn cùng số lượng nhân viên, cách sắp xếp công việc của bạn. Với phòng tập bình dân thì con số này chỉ vài triệu.

Cái gì tiết kiệm được tiền thì sẽ tốn nhiều thời gian hơn 😀 Số việc bạn phải thực hiện trực tiếp càng ít thì tất nhiên số lương bạn trả sẽ càng cao hơn. Đây cũng là khoản chi phí bạn dễ dàng ước chừng được.

Chi phí trang thiết bị: máy móc + phần mềm

Các chi phí này cũng là dạng chi phí hạ tầng, đầu tư ban đầu.

Tùy khả năng đầu tư vốn mở phòng gym mà bạn chọn lựa trang thiết bị cho phù hợp với mục đích, nhu cầu của mình. Những hệ thống trang thiết bị cho phòng gym như:

  • Đồ nội thất: Bàn quầy lễ tân, bàn ghế, tủ locker để đồ…
  • Vật dụng trang trí: gương, pano hình ảnh – poster dán kính, treo tường
  • Hệ thống âm thanh, hình ảnh: loa đài, amply, TV…
  • Hệ thống đèn điện: quạt, đèn, bảng điện…
  • Dịch vụ, tiện ích: máy điều hòa, xông hơi, tắm nóng lạnh…
  • Hệ thống camera an ninh, giám sát
  • Phụ kiện tập luyện: bao boxing, các món crossfit, gạch cao su giảm chấn, thảm phòng tập…
  • Máy đo chỉ số cơ thể inbody
  • Phần mềm quản lý phòng tập chuyên dụng

CuongGym.com xin giới thiệu tới bạn phần mềm quản lý phòng gym của Timesoft có chính sách dùng thử miễn phí dưới 100 hội viên. Điều này có thể giúp cho các phòng tập mới mở chưa có nhiều hội viên giảm được chi phí đầu tư phần mềm ban đầu, mà giá của phần mềm này cũng khá hợp lý.

 Chi phí đầu tư cho quảng cáo

Chi phí quảng cáo là một chi phí cần thiết. Bạn muốn có khách hàng thì ít nhất người ta cũng phải biết đến bạn. Càng được nhiều người biết tới thì cơ hội thành công của bạn càng lớn hơn.

Ban đầu mới setup phòng tập gym nếu bạn muốn được nhiều người biết tới và đông khách đến, thì bạn nhất định dành ra một khoản ngân sách cho việc quảng bá. Nhất là trong thời gian đầu, phòng tập mới mở chưa có lượng khách quen thì việc quảng cáo truyền thông lại càng quan trọng.

Đây là khoản đầu tư cần thiết và hoàn toàn xứng đáng để bạn chi trả, dù phòng tập của bạn có quy mô lớn nhỏ như thế nào.

Ngân sách quảng cáo có thể điều chỉnh theo từng giai đoạn. Những phòng tập thành công nhất thường là những phòng tập có khâu truyền thông, quảng cáo tốt nhất.

Bạn có thể chọn nhiều kênh quảng cáo: phát tờ rơi, treo băng rôn, biển bảng.. hoặc quảng cáo trên các kênh online như facebook, zalo, google ads…

Quảng cáo trên facebook là một cách hiệu quả, và được rất nhiều phòng gym lựa chọn

Nếu có thể, bạn hãy tạo một website cho phòng tập của mình, hoặc ít nhất là một trang fanpage để duy trì kết nối với các hội viên, tăng hiệu quả hiện diện. Trong thời đại Internet này, không kinh doanh trên kênh online thì quả là một sai lầm đáng tiếc.

Với các loại phòng Gym bình dân thì bạn có thể dùng hình thức phát tờ rơi, dùng banner hoặc truyền thông trên các mạng xã hội để tiết kiệm chi phí. Nếu như bạn muốn đẩy nhanh tiến độ thu hút khách hàng thì có thể sử dụng quảng cáo trên báo chí, TV, các phương tiện truyền thông lớn, đẩy mạnh quảng cáo có phí trên các trang mạng xã hội.

Những phòng tập lớn còn có thể tổ chức những sự kiện đình đám, chạy quảng cáo với ngân sách khủng để thu hút khách hàng trên đủ mọi phương tiện truyền thông. Ở quy mô lớn, đây sẽ là một món tiền ra trò với rất nhiều những chiêu trò quảng bá.

Hãy tham khảo và lựa chọn hình thức cũng như ngân sách quảng cáo phù hợp với phòng tập của mình.

Tùy theo các phương thức quảng cáo bạn chọn mà mức chi phí có thể cao hay thấp. Bạn hãy dành thời gian, công sức để xem xét việc này một cách nghiêm túc.

 

Chi phí bảo dưỡng, bảo trì

Nếu muốn khách hàng gắn bó lâu dài với phòng tập thì bạn nên lưu tâm tới công tác bảo dưỡng máy tập gym theo định kỳ.

Việc vệ sinh máy móc thì nên làm liên tục, hàng ngày nếu có thể hoặc ít nhất là hàng tuần. Máy móc sạch sẽ tạo cảm giác dễ chịu cho khách hàng.

Bạn nên trang bị bộ dụng cụ cần thiết để chăm sóc cho máy tập của mình. Đây chính là “những nhân viên cần mẫn” nhất mà bạn có được, hãy chăm sóc “họ” thật tốt 😀

Bạn nên nhờ nhà phân phối máy tập tư vấn hướng dẫn về cách bảo trì, bảo dưỡng máy đúng cách: thời gian bao lâu nên bảo dưỡng một lần, những vị trí – bộ phận nào nên lưu ý, trình tự thao tác như thế nào…

Máy tập cơ đơn thuần thì công tác bảo dưỡng khá đơn giản, các máy có mạch điện tử thì việc bảo trì có thể sẽ phức tạp hơn. Bạn không nên tự “táy máy” nếu không rõ mình đang làm gì.

Chi phí dành cho việc bảo dưỡng này khá thấp, không đáng kể nếu bạn có thể tự làm được. Đây là hạng mục nhỏ nhưng lại là một khâu khá quan trọng trong việc kinh doanh phòng gym của bạn.

 

Chi phí hàng tháng: điện, nước

Cuối cùng là khoản chi phí điện, nước.

Dù phòng tập của bạn quy mô lớn nhỏ như thế nào thì cũng cần có những thiết bị điện tất yếu như đèn, quạt, hay cả tủ lạnh, điều hòa… Cộng thêm có thể là phần chi phí cho khu phụ như bình nóng lạnh, máy xông hơi, nước sinh hoạt…

Những thứ này cũng ngốn một khoản kha khá trong hóa đơn của bạn mỗi tháng. Tuy lặt vặt từng hạng mục thì có vẻ chúng khá nhỏ nhưng nếu bỏ qua nó, bạn có thể sẽ phải giật mình vì mức độ phình to khủng khiếp của nó.

Lời khuyên của tôi đơn giản chỉ là hãy lưu ý và sử dụng điện nước một cách tiết kiệm. Việc này có thể thực hiện đơn giản bằng cách nhắc nhở nhân viên, và đặt biển chỉ dẫn khách hàng sử dụng điện nước có ý thức.

Tránh lãng phí cũng là một cách tốt để bạn gia tăng lợi nhuận khi kinh doanh phòng tập gym.

Lập kế hoạch chi tiết giúp việc kinh doanh phòng gym hiệu quả hơn

Lời kết

Công việc kinh doanh bao giờ cũng đòi hỏi sự kĩ lưỡng, sự chuẩn bị cẩn thận sẽ giúp giảm thiểu đến mức tối đa những rủi ro trong chi phí. Vì dù sao trong quá trình mở phòng tập, bạn có thể sẽ gặp khá nhiều loại chi phí phát sinh khác nữa.

Để trả lời cho câu hỏi mở phòng tập Gym cần bao nhiêu tiền bạn cần lên một list các khoản chi phí cụ thể, chi tiết theo từng đầu mục để có sự điều chỉnh cho hợp lý và tiết kiệm.

Hi vọng bài viết này đã giúp bạn hoạch định được bản danh sách các chi phí mở phòng một cách rõ ràng và hoàn thiện.

Bài viết tổng hợp: BÍ KÍP 【Mở Phòng Gym Hiệu Quả】 hướng dẫn từ A đến Z.
cuonggym: Tiểu sử tác giả hiện như một tờ giấy trắng
Các bài liên quan